Lần đầu tiên Việt Nam cho phép mang thai hộ nhưng cơ hội này lại chưa đến được với nhiều vợ chồng hiếm muộn vì người vợ không có em gái, chị gái hoặc họ hàng cùng hàng để nhờ mang thai hộ. Chị N.T.H (36 tuổi, Bắc Ninh) bị cắt tử cung do khối u, đã trữ phôi lạnh ở BV Phụ sản T.Ư và chỉ cần tìm được người đồng ý mang thai hộ là chuyển phôi. Nhưng, vợ chồng chị tìm “đỏ mắt” trong gia đình cũng không tìm được người mang nặng đẻ đau hộ mình. Sau khi bàn bạc vợ chồng chị quyết định tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ… “ngoài luồng”.
“Mình bị lạc nội mạc tử cung. Dù đã làm IVF và chuyển phôi vài lần nhưng không thành công. Giải pháp của mình bây giờ là tìm người mang thai hộ… Mình sẽ lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống, nhà ở, thuốc thang, bác sĩ trong suốt 9 tháng mang thai. Số tiền gửi riêng các bạn sẽ do 2 bên thỏa thuận… Liên hệ mail hoặc điện thoại: 0163…”; “Cần tìm người mang thai hộ hoặc xin trứng để thụ tinh trong ống nghiệm: với người cho trứng yêu cầu chiều cao từ 1m60, ngoại hình khá, tuổi từ 20 – 28 nhóm máu O hoặc A, bên mình chịu mọi chi phí khám sức khoẻ, đi lại, và được bồi dưỡng 1.000 USD. Với người mang thai hộ, bên mình chịu mọi chi phí và bao ăn ở, đi lại, ngoài ra bồi dưỡng 6.000 USD… mail hoặc 01638159990. Mình là Th…”…
Chị H làm hồ sơ đăng ký xin thực hiện phương pháp mang thai hộ ở BV, nhưng các bác sĩ đã phát hiện ra cặp người nhờ (là vợ chồng chị H) và người mang thai hộ (cô gái sinh năm 1991) không có quan hệ họ hàng, huyết thống.
Theo chúng tôi Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký xin mang thai hộ, các cán bộ y tế ở trung tâm phát hiện và loại bỏ được nhiều cặp: người nhờ và người mang thai hộ có nghi vấn không phải là họ hàng, huyết thống. “Những hồ sơ đó, chúng tôi cương quyết loại bỏ” – GS Tiến nói. Vợ chồng chị H nén tiếng thở dài tiếc nuối khi hồ sơ đăng ký bị từ chối.
Thủ tục ngặt nghèo để ngăn… đẻ thuê
Một bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản T.Ư) phân tích: Giao dịch mang thai hộ chui không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ “tiền mất tật mang”, chẳng hạn người mang thai sau khi sinh không trả lại con cho người thuê dù đã nhận hết tiền xong hoặc có những tranh chấp, dọa nạt, vòi vĩnh, đòi thêm tiền… của người mang thai hộ.
Vì thế, để tránh rủi ro và đặc biệt bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ, luật về mang thai hộ quy định người mang thai hộ là người trong dòng họ, cùng hàng với người nhờ mang thai hộ. Mặc dù là người trong gia đình thân thiết nhưng hai bên cũng phải làm các giấy tờ, biên bản cam kết. Ngay cả khi người nhờ mang thai hộ độc thân hay đã ly dị thì cũng mang giấy chứng nhận có dấu đỏ của phường, xã đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để kiểm tra, như ly dị thì phải có giấy chứng nhận của tòa án cho ly hôn… “Tôi cho rằng với các quy định rất chặt chẽ về mang thai hộ, việc lách luật, đẻ thuê là khó” – GS Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
BV sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mang thai hộ sẽ thiết lập hội đồng, kiểm tra về mặt y tế cho cặp vợ chồng nhờ và người mang thai hộ; tư vấn tâm lý và pháp lý. Trong đó, khâu tư vấn pháp lý phức tạp nhất bởi dưới sự hướng dẫn của luật sư, người nhờ và người mang thai hộ phải thống nhất ký một hợp đồng dân sự với nhiều ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm như: Nếu trong quá trình mang thai không phát hiện dị tật mà khi đẻ ra con dị tật, bệnh lý thì người nhờ mang thai hộ vẫn phải nhận con; Khi sinh nở xong, người mang thai hộ phải trao con cho người nhờ; phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt quan hệ, sau này người mang thai hộ không được đòi con, lợi dụng con…
“Thủ tục pháp lý càng chặt chẽ, càng hạn chế được những ảnh hưởng đến 2 bên và em bé sau này. Những quy định ngặt nghèo là rào cản có thể ngăn chặn được các hình thức biến tướng, thương mại hóa, tình trạng đẻ thuê…” – Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh.