Bà bầu bị đau bụng có thể cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm
Theo bác sỹ Duff, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị đau bụng nên nghi ngờ khả năng sẩy thai. Bởi, thực tế cho thấy, có 15 – 20% bà bầu bị sẩy thai. Các triệu chứng sẩy thai gồm: Chảy máu, đau bụng co thắt hoặc cơn đau giống như đau bụng kinh.
Nếu bạn có những cơn co thắt đều đặn trước tuần thứ 37 của thai kỳ và đau lưng kéo dài, có thể bạn bị chuyển dạ sớm. Các cơn co thắt có thể có hoặc không kèm theo rò rỉ dịch âm đạo hoặc máu hay chuyển động của thai nhi. Tốt hơn hết là nên gọi điện cho bác sỹ hoặc đi khám ngay khi thấy những dấu hiệu này.
Nhau thai là nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé. Nhau thai thường nằm cao trên thành tử cung và không tách ra cho đến khi em bé được sinh ra. Bong nhau non là biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3.
Bác sỹ Duff mô tả cơn đau do bong nhau non là đau dữ dội, liên tục, dần dần lan xuống bụng dưới. Tử cung có thể cứng như đá (khi ấn vào bụng, không thấy lõm vào), máu chảy đỏ thẫm, không có cục máu đông. Trong một số trường hợp, bà bầu có thể chuyển dạ khi bong nhau non, và cần được mổ cấp cứu. Nếu bong nhau non ở mức độ nhẹ, bác sỹ có thể gây chuyển dạ cho bà bầu để sinh thường tự nhiên.
Phụ nữ có nguy cơ bị bong nhau non là những người có tiền sử bị bong nhau non, tăng huyết áp, tiền sản giật và chấn thương bụng.
Theo Tổ chức Tiền sản giật Hoa Kỳ, khoảng 5 – 8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật và tăng huyết áp. Tiền sản giật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đó là lý do tại sao y tá, bác sỹ thường kiểm tra huyết áp của bạn mỗi khi khám. Tiền sản giật có dấu hiệu là tăng huyết áp và protein trong nước tiểu. Tăng huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến các mạch máu trong tử cung cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi, khiến thai nhi tăng trưởng chậm. Tiền sản giật cũng làm tăng nguy bong nhau non. Trong trường hợp nặng, bà bầu có thể bị đau ở bụng trên bên phải, buồn nôn, đau đầu, sưng mắt và rối loạn thị giác.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu gồm: Đau hoặc rát khi đi tiểu, đi tiểu ra máu, một số người cũng bị đau bụng. Nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, làm tăng nguy cơ sinh non. Đây là lý do tại sao bác sỹ hoặc y tá thường xét nghiệm nước tiểu mỗi khi bạn đi khám.
Nên đọc
Theo bác sỹ Duff, viêm ruột thừa có thể khó chẩn đoán trong thai kỳ, vì tử cung to hơn, ruột thừa bị đẩy lên và có thể nằm gần rốn hoặc gan. Vì khó chẩn đoán nên bà bầu có nguy cơ tử vong do viêm ruột thừa.
Mặc dù dấu hiệu thường gặp của viêm ruột thừa là đau bụng dưới phía bên phải, nhưng khi mang thai, bà bầu có thể cảm thấy cơn đau ở phía trên bụng. Các triệu chứng khác bao gồm: Không thèm ăn, buồn nôn và nôn.
Sỏi trong túi mật phổ biến hơn ở phụ nữ thừa cân, trên 35 tuổi hoặc có tiền sử bị sỏi. Cơn đau do sỏi mật (còn gọi là viêm túi mật) rất dữ dội, tập trung ở phần bụng trên bên phải. Trong một số trường hợp, cơn đau cũng có thể tỏa ra xung quanh lưng và dưới xương bả vai phải.
Khi nào nên gọi cho bác sỹ sản phụ khoa?
Hãy gọi cho bác sỹ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
– Đau bụng, có thể kèm theo chảy máu trước tuần thứ 12 của thai kỳ; – Chảy máu hoặc đau bụng dữ dội; – Có hơn 4 cơn co thắt trong 1 tiếng và trong 2 tiếng liên tục; – Đau bụng dữ dội; – Tầm nhìn bị rối loạn; – Đau đầu dữ dội;– Tay, chân hoặc mặt bị phù; – Đau khi đi tiểu, tiểu khó, hoặc tiểu ra máu.
Có cách nào giúp phòng ngừa đau bụng khi mang thai?
– Bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ;– Tập thể dục thường xuyên, điều độ;– Ăn những thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám);– Uống nhiều nước;– Đi tiểu ngay khi có nhu cầu;– Nghỉ ngơi thường xuyên.
Vân Anh H+ (Theo parents)