0 lượt xem
Hiện tượng phù chân khi mang thai
Lượng máu cũng như lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên khi mang thai.
Việc tích tụ chất lỏng trong cơ thể khiến bà bầu bị phù chân và các bộ phận khác.
Những thay đổi trong máu cũng khiến chất lỏng xâm nhập các mô.
Áp lực gia tăng lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ khi tử cung lớn dần. Dòng máu ở chân lưu thông chậm dẫn đến ứ đọng làm chất lỏng từ tĩnh mạch xâm nhập vào các mô của bàn chân, mắt cá chân.
Với bà bầu mang đa thai hoặc bào thai có nước ối khá nhiều cũng có thể gây hiện tượng sưng chân, nhất là những ngày thời tiết nóng bức.
Bà bầu bị phù chân nhiều nhất vào khoảng tháng thứ 5 và tăng dần mức độ trong tam cá nguyệt thứ 3.
Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến phù chân khi mang thai:
Nhiệt độ mỗi trường xung quanh tăng cao
Hấp thụ quá nhiều muối
Chế độ ăn uống thiếu kali
Đứng trong thời gian dài
Hoạt động thể chất trong nhiều ngày
Uống cà phê hoặc thức uống chứa caffeine liên tục.
Nhận biết phù chân sinh lý hay phù chân bệnh lý khi mang thai
Phù chân ở mức độ vừa là hiện tượng bình thường. Khoảng 50% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này ở bàn chân và mắt cá chân, đặc biệt là trong vài tháng cuối của thai kỳ. Mức độ sưng có thể thay đổi theo các thời điểm trong ngày và thời tiết, đôi lúc bà bầu sẽ cảm thấy chân phù to hơn vào buổi tối hay những hôm thời tiết nóng bức.
Tình trạng phù chân thường sẽ nhanh chóng biến mất sau khi sinh. Lúc này cơ thể sẽ bắt đầu loại bỏ chất lỏng dư thừa vì vậy mẹ bầu có thể thấy mình đi vệ sinh nhiều hơn và đổ mồ hôi nhiều trong mấy ngày đầu mới sinh.
Tuy nhiên mẹ bầu cần lưu ý nếu bị sưng đột ngột ở tay và mặt thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm. Phù bệnh lý thường đi kèm với các triệu chứng như tăng huyết áp, tăng cân nhanh và xuất hiện đạm trong nước tiểu (protein niệu). Nếu bà bầu cảm thấy mình có các dấu hiệu trên thì nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm nhất.
Bà bầu nên làm gì khi bị phù chân?
Một số cách giúp giảm nhẹ tình trạng bị phù chân khi mang thai mà các mẹ có thể áp dụng. Đó là:
Xoa bóp vùng bị phù chân. Xoa bóp tạo áp lực lên các khu vực sưng tấy sẽ giúp làm giảm phù chân.
Phương pháp bấm huyệt. Đây là một cách vừa giúp giảm phù chân vừa giúp bà bầu thư giãn tinh thần.
Chế độ ăn khoa học: Uống đủ nước mỗi ngày và ăn những thức ăn lành mạnh, đáp ứng đủ dinh dưỡng khi mang thai bao gồm một lượng nhỏ đạm như thịt, trứng, cá, đậu đi kèm với rau xanh và trái cây sẽ giúp bà bầu giữ cân nặng ở mức hợp lý và ngăn ngừa phù chân. Ngoài ra, nên hạn chế muối, đường, chất béo mà thay vào đó ưu tiên cho các món thanh đạm.
Thay đổi thói quen vận động, sinh hoạt. Bà bầu có thể tập nâng cao chân, xoay mắt cá chân, cử động ngón chân thường xuyên để giảm nhẹ tình trạng phù. Tránh đứng, ngồi quá lâu hay ngồi vắt chéo chân. Nên mặc đồ, đi các loại giày thoải mái khi mang thai. Đi bộ các quãng ngắn để ngăn máu tích tụ ở phần dưới của cơ thể.
Thể dục đều đặn ở mức độ phù hợp tình trạng thai: đi bộ, yoga cho bà bầu, hít thở, các bài tập kegel… (Trước khi tập, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia).